Trên bàn nhậu, anh T. (34 tuổi, Q. Gò Vấp, TP.HCM) quay sang nói với mấy người bạn thân toàn là… phụ nữ: “Tôi chán vợ tôi quá rồi các bà ơi! Mấy bà có chồng cứ phải suốt ngày lục ví chúng tôi thì mới yên tâm sao?”
Nghe anh T. xả một tràng, ba cô bạn thân của anh đều kinh ngạc bởi trước đây anh nổi tiếng là chồng “ngoan”. Các chị cũng thầm chột dạ, không biết ông chồng nhà mình có chán ngán vì bị vợ lôi ví ra săm soi đến tức nước vỡ bờ như anh T. không?
Đàn ông có quyền giữ tiền
Anh T. chán chường than vãn, từ khi có vợ, ví tiền không còn là của anh nữa. Ngày nào vợ anh cũng tỉ mỉ kiểm tra ví chồng hai lần sáng và tối. “Không cần biết tôi cho phép hay không, bả cứ tự nhiên kiểm tra từng đồng, hạch sách từng khoản chi tiêu trong ngày”.
Nếu không may hôm nào tiền trong ví anh T. thâm hụt quá nhiều thì ngay lập tức vợ anh bù lu bù loa tra khảo anh tới bến. “Sao hôm nay anh xài nhiều tiền thế? Cơm trưa em nấu sẵn cho mang đi rồi. Cà-phê gì lại hết tới năm chục ngàn? Anh đã mua gì? Ăn gì? Mà sao anh lại hoang phí dữ vậy không biết!”
Vấn đề không phải các ông chồng có gì khuất tất phải giấu giếm vợ. Cũng biết các bà vợ sợ chồng vẫn quen lối chi tiêu phung phí thời trai trẻ. Nhưng đàn ông dù có vợ hay không thì vẫn phải đi làm, phải giao thiệp, giao lưu và làm ăn.
Đàn ông giữ tiền không chỉ để chi tiêu. Tiền bạc của đàn ông còn là thể diện, sự tự tin trong giao tiếp xã hội. Nên nếu quá chi li, các chị vợ không chỉ cuỗm mất của chồng cái ví, mà còn khiến ông xã mình… sa sút phong độ. Mà đàn ông mấy khi chịu được cảnh ngộ phải muối mặt với anh em, bạn bè? Nên vợ càng quản để chống việc chồng lập quỹ đen lại càng khiến các ông dấm dúi trữ tiền riêng để chi tiêu cho nhu cầu cá nhân.
Em muốn tìm “bằng chứng”?
Nhiều chị em còn lùng sục ví của chồng để tìm bằng chứng chồng “ăn phở” bên ngoài. “Đề phòng vẫn hơn, chứ mất bò mới lo làm chuồng thì sao kịp nữa”, chị M. T (30 tuổi, Q. 3, TP. HCM) tiết lộ.
Vì vậy mà anh V. – chồng chị M. T từng một phen hú vía khi chị giãy nãy buộc tội anh phản bội vợ chỉ vì bên trong ví của anh hằn lên một vòng tròn trông giống như… bao cao su. Dù anh V. hết lời phân bua đó chỉ là nếp hằn của đồng tiền cắc 5.000 đồng nhưng chị chẳng chịu tin, suốt ngày ra rả bài ca trách móc, bắt anh trình báo mỗi ngày để đảm bảo sự trong sạch.
“Đàn ông đã hư thì dù vợ quản thế nào cũng có trăm ngàn cách để hư. Các ông chủ tâm “ăn phở” thì chắc chắn có cách giấu giếm, làm gì có chuyện lôi ví ra là có bằng cớ? Vợ chồng sống đời với nhau thì phải tin nhau chứ!”, anh V. bức xúc nói.
Lục ví để chăm chồng
Tất nhiên, không phải ông nào chồng nào cũng phản đối chuyện bị vợ lục ví. Như anh Đ. L (35 tuổi, Thống Nhất, Đồng Nai) chia sẻ: “Vợ tôi cứ vài ngày lại hỏi anh còn tiền tiêu không? Em thấy ví anh mỏng dính nè. Rồi vợ cẩn thận “kiểm kê”, xong mới để thêm vào ví một ít tiền cho chồng chi tiêu thêm. Nếu kiểm tra để chăm chồng như vậy thì vợ có lục lọi mấy cũng thấy mát lòng”.
Thêm một cách “kiểm soát” chồng hay ho nữa là lựa những lúc vợ chồng đang vui vẻ, cả hai cùng xem ví, điện thoại của nhau cũng là chuyện thường. Đàn ông chỉ không thích kiểu giám sát lén lút, rồi hạch sách này nọ, ghen tuông vô cớ, làm không khí gia đình cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.
Tuy không phải người vợ nào cũng đủ khéo léo để kiểm soát chồng một cách ngọt ngào, nhưng nếu chị em bình tĩnh một chút, chịu lắng nghe và tránh quy kết, đổ tội cho các ông khi chưa rõ thực hư thì sóng gió sẽ không kéo đến.
Nhiều phụ nữ nghĩ rằng sự kiểm soát tiền bạc “hà khắc” có thể trói chân được chồng. Nhưng đàn ông thì khác, họ xác định hôn nhân dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau và sự tự do “có giới hạn”. Vẫn biết rằng khi ghen tuông thì người vợ sẽ phải khổ sở khi sống trong sự nghi ngờ của chính mình. Dù vậy, trong chuyện vợ chồng thì lỗi đâu phải luôn từ một phía, các ông chồng cũng phải có phần chứ nhỉ? Biết tính nết người bạn đời rồi, các quý ông cũng nên minh bạch rõ ràng để vợ bớt nghi ngờ chuyện cái ví của mình đi.
THẾ GIỚI GIA ĐÌNH